Hiến mô, tạng - Một nghĩa cử cao đẹp

Đăng ngày 30 - 08 - 2024
Lượt xem: 563
100%

 

Ghép tạng là 1 trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Trong khi đó, cả nước đã có 18 trung tâm ghép tạng và trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Các bác sĩ đã thực hiện thành công việc ghép gan, tim, phổi, thận, tụy cho biết: Điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, rất nhiều người bệnh đang phải đấu tranh duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi được ghép.

Đi cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế toàn cầu là sự phát triển mạnh mẽ của ngành y học, trong đó phải nói đến kỹ thuật y học về mặt cấy, ghép tạng. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... Việc đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng là hành động vô cùng ý nghĩa, nó trao tặng cơ hội, mang lại sự sống diệu kỳ cho hàng ngàn người bệnh.

Cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội CTĐ đăng ký hiến mô, hiến tạng (Ảnh: Tâm An)

1. Hiến tạng là gì?

Hiến tạng là trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Khái niệm này được quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, theo đó, Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

Hiến tặng nội tạng và mô liên quan đến việc lấy nội tạng và mô từ người đã chết (người hiến tặng) và cấy ghép chúng vào người, trong nhiều trường hợp, bị bệnh nặng hoặc có nguy cơ tử vong cao (người nhận).

Các cơ quan có thể được cấy ghép bao gồm tim, phổi, gan, thận, ruột và tuyến tụy.

Các mô có thể được cấy ghép bao gồm van tim và các mô tim, xương, gân, dây chằng, da và các bộ phận của mắt như giác mạc và màng cứng.

Cái chết phải xảy ra trước khi việc hiến tặng có thể được triển khai.

Úc là quốc gia được quốc tế ghi nhận về tỉ lệ ghép thành công và người nhận có thời gian sống rất dài sau đó. Phần lớn những người nhận được ghép mô tạng được hưởng lợi ích rất lớn và kết quả là họ có thể có được một cuộc sống đầy đủ và tích cực. Tuy nhiên, cấy ghép không phải là không có những nguy cơ bao gồm nguy cơ về phẫu thuật cấy ghép và các phương pháp điều trị tiếp tục cần có sau khi cấy ghép.

2. Điều kiện hiến mô, tạng

Đối với người còn sống

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 quy định điều kiều để lấy mô, bộ phận cơ thể người sống như sau:

- Chỉ cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

- Chỉ lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến. Trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó.

- Cơ sở y tế trước khi tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống có trách nhiệm sau đây:

a) Tư vấn về sức khỏe, tâm lý xã hội cho người hiến;

b) Kiểm tra các thông số sinh học của người hiến.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc tư vấn, kiểm tra các thông số sinh học của người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

Đối với người đã chết

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 quy định về điều kiện lấy mô, bộ phạn cơ thể ở người sau khi chết như sau:

- Chỉ cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.

- Việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết;

b) Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật này;

c) Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người.

Việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng theo quy định của pháp luật. Và trong mẫu đơn đăng ký này không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý thân nhân người đăng ký hiến tặng.

Người có nhu cầu hiến mô, tạng có thể đăng ký tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, một số bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương, Hội Chữ thập đỏ các cấp.

Để phong trào hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh được lan tỏa mạnh hơn nữa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành các cấp cần tuyên truyền sâu rộng việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Vận động 8.632 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia hiến máu tình nguyện (28/10/2024 1:58 CH)

138 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện lưu động(23/09/2024 9:33 SA)

KH tuyên truyền, vận động, đăng ký hiến mô và bộ phận cơ thể người(12/09/2024 9:16 SA)

Muốn đăng ký hiến mô, hiến tạng phải làm thế nào, thủ tục ra sao?(12/09/2024 3:15 CH)

Gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên, điển hình tiêu biểu hiến máu tình nguyện tham dự Lễ tôn vinh 100...(25/07/2024 3:41 CH)

134 người đang online
°